– Ngày 8/6/1946, trên đường sang thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại ở Ai Cập. Máy bay cất cánh từ thành phố Habagna (nay thuộc Pakistan) hạ cánh xuống Le Caire (Cairo) thủ đô Ai Cập từ ngày 7/6/1946.
Ngày hôm sau (8/6) theo phép lịch sự Bác và tướng Salan (người thay mặt Chính phủ Pháp tháp tùng) đến thăm Vua Ai Cập nhưng Ngài đi vắng. Viên quan nội vụ đại thần tiếp, mời cà phê và cùng ngày viên quan này theo phép xã giao lại thăm vị khách từ Việt Nam tới tại nơi nghỉ.
Cũng trong ngày, Bác thăm Viện Khảo cổ Ai Cập và được giáo sư viện trưởng người Pháp Prioton hướng dẫn. Ngày nay Viện đã trở thành một bảo tàng có tiếng trên thế giới, đặc biệt với loại hình hiện vật là xác ướp nên còn được gọi là Bảo tàng Xác ướp. Chiều, Bác và những người cùng đi thăm “thành phố Ma” là khu phụ cận thành phố, nhà mồ của những người đã chết được quy hoạch như một khu phố của người sống.
Sau đó, Bác đi thăm những kim tự tháp nổi tiếng của các pharaon Ai Cập và con Nhân sư khổng lồ với lời nhận xét “Bàn chân nó cao quá đầu người đứng. Đêm trời sáng trăng, trông vào tượng đá, thì thấy có vẻ nghiêm trang và thần bí lắm”. Hôm sau (9/6), Bác lại tiếp tục đi thăm kim tự tháp Sekherat cũng rất nổi tiếng.
Nhớ lại, cách đó 35 năm, tháng 6/1911, Bác đã từng đặt chân lên Cảng Xaít (Port Said) của Ai Cập trên hành trình đầu tiên của tàu Đô đốc Latouche Tréville khởi hành từ Bến Nhà Rồng ngày 5/6. Và 22/9/1946 trên chặng đường trở về nước từ Pháp bằng chiến hạm Dumont d’ Urville, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng mấy Việt kiều theo Bác về nước như bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa)… lại lên cảng Xait thăm.
Có thể nói, trong đời hoạt động của mình, Bác rất thích thăm thú các danh lam thắng cảnh và khảo sát đời sống của các quốc gia. Bác tham gia các nhóm du lịch đi nhiều nước và thăm nhiều di tích lịch sử. Ngay trước khi đến Ai Cập, lúc dừng chân ở Ấn Độ, Bác cũng thăm Lâu đài Delhi Cate, Lăng tẩm của Hoàng hậu Taj Mahan của thế kỷ XVII.
Ngày 8/6/1946 còn có một sự kiện nghiêm trọng là vào thời điểm này, Bác nhận được tin ở Sài Gòn thực dân lập Chính phủ “Nam Kỳ tự trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Salan cùng đi: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp! Tướng quân này, các vị đừng biến Nam Bộ thành một thứ Alsace-Loren (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy !…”.
X&N
bee.net.vn