“Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay”

– Ngày 9/4/1925, Nguyễn Ái Quốc với bút danh L.T viết thư trả lời ông H. góp ý kiến nhận xét về tập luận văn “Cách mệnh” theo yêu cầu của tác giả. H. chính là Nguyễn Thượng Huyền, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, lúc này cũng đang hoạt động chính trị ở Trung Quốc.

Bức thư được viết nhân H. gửi 2 tập bản thảo của mình cho Nguyễn Ái Quốc đọc để nhận xét. Trong thư, Nguyễn Ái Quốc đã góp ý cho tác giả và bày tỏ một số quan niệm của mình về công việc cầm bút và phê bình.

Bác Hồ làm việc tại Chiến khu Bác Hồ làm việc tại Chiến khu

Thư viết: “Tôi luôn luôn nhớ rằng phê bình thì dễ, còn sáng tác nghệ thuật thì khó. Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thuý của các điển tích thường cũng bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm…

Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt… Một lối hành văn giản dị chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ…

Nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩn hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì”.

Về nội dung chính trị của luận văn bàn về cách mạng, Nguyễn Ái Quốc thẳng thắng góp ý rằng viết về cách mạng mà “Ông không nói 1.Phải làm cái gì trước cách mệnh 2.Phải làm gì trong cách mệnh 3.Phải làm gì sau cách mệnh. Ông chưa bàn đến lực lượng mà người Pháp có thể sử dụng ở nước ta, cũng chưa bàn đến lực lượng của ta”.

Cuối thư, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông và cũng nhân cơ hội này nêu lên một số vấn đề để thảo luận, mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng kiến thức của tôi.

Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không”.

Thư còn dành nhiều dòng để góp ý rất cụ thể liên quan đến những khái niệm, quan điểm trình bày trong bản thảo của H., thể hiện tác giả lá thư rất nghiêm túc, chân tình nhưng cũng thẳng thắn. Chỉ có điều đáng tiếc rằng hành trạng của con trai nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền cho thấy Nguyễn Thượng Huyền đã bị bộ máy mật thám thức dân lung lạc.

X&N
bee.net.vn

Advertisement