– Ngày 4/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đặc phái viên Chính phủ tại Thanh Hoá là Vũ Đình Huỳnh giao nhiệm vụ cùng giám mục Lê Hữu Từ “dàn xếp việc xích mích giữa đồng bào lương – giáo để thực hiện đoàn kết kháng chiến. Vì vậy, cần phải khôn khéo và cẩn thận từ lời nói đến việc làm” và bằng mọi cách để giải toả những việc hiểu lầm dẫn đến có hại cho đoàn kết.
Đây là những nỗ lực thể hiện thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một vị giám mục đứng đầu giáo phận Bùi Chu (Ninh Bình), ngay từ sau khi Cách mạng thành công đã được mời làm thành viên ban cố vấn của Chính phủ (mà cựu hoàng Bảo Đại, tức công dân Vĩnh Thuỵ làm cố vấn tối cao) nhằm tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Bác với các đại biểu theo Đạo Thiên Chúa
Giữa tháng 1/1946, Bác về tận Nho Quan, Ninh Bình gặp và nói chuyện với Giám mục Lê Hữu Từ và hơn 100 vị linh mục. Bác gọi “Đức Cha Từ là bạn của tôi” và nói: “Công giáo hay không công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập… Đức Chúa đã hy sinh vì Nhân loại. Người đã vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc” (Cứu Quốc 14&15/1/1946).
Khi toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ, ngày 23/1/1947, Bác viết thư động viên “Xin Đức Cha cầu nguyện cùng Chúa cho Tổ quốc” ; tiếp đó trong thư đề ngày 1/2/1947, Bác lại viết thư trả lời lá thư của Giám mục, trong đó giải thích một số thắc mắc khi xảy ra một số xích mích ở địa phương: “Trong hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm hiến pháp và khiêu khích bà con Công giáo sẽ bị xử lý.
Đức Cha chưa bao giờ tin rằng Việt Minh bách hại tôn giáo, tôi dám tin chắc như vậy, bởi vì Đức Cha biết rằng Mặt trận Việt Minh tìm cách đoàn kết toàn thể đồng bào lo cho nền độc lập của Tổ quốc, chứ không phải chia rẽ hay chống lại tôn giáo.
Về phần tôi, tôi không bao giờ tin rằng đồng bào Công giáo chống lại Việt Minh, đồng bào Công giáo tha thiết với nền độc lập của Tổ quốc và tự do tín ngưỡng thật đầy đủ; và tôi cũng tin rằng mọi người đều tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc. Những vụ đụng độ nhỏ giữa đồng bào với nhau là điều đáng tiếc, vì đạo đức giáo hoá chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta…”.
Đến 2/3/1947, trong một bức thư dài tiếp tục phân tích và động viên Giám mục góp phần gải quyết những xích mích ở địa phương, vị Chủ tịch nước viết: “Đường lối mục đích của Chính phủ nhằm 3 mục tiêu sau đây: 1. Giải phóng nhân dân khỏi đói, khỏi rét (khổ sở) và khỏi dốt; 2. Đem lại cho nhân dân tự do, tự do sống, tự do tín ngưỡng; 3.Bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Nếu Cộng sản mà thực hiện những việc trên đây, tôi tin chắc rằng mọi người sẽ chấp nhận thứ Cộng sản đó…”
Bác còn chỉ đạo rất cụ thể chính quyền địa phương giải quyết theo một số yêu cầu của Giám mục. Trong lá thư đề ngày 4/4/1947 gửi Vũ Đình Huỳnh, Bác còn yêu cầu người phái viên của mình: “Bất kỳ thế nào, chú phải lập tức đi gặp cụ Từ và giải thích rõ ràng, làm cho hết sự hiểu lầm đó rồi nói với Cụ viết thư cho tôi”…
Đó là những bằng chứng ghi nhận tấm lòng thiện chí cùng sự kiên trì phấn đấu cho đại đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dù sau đó, đáng tiếc là vị Giám mục Bùi Chu đã từng bước quay sang hàng ngũ thực dân chống lại kháng chiến (cũng như vị Cố vấn tối cao, cựu hoàng Bảo Đại vậy).
X&N
bee.net.vn