– Ngày 18/3/1946, đúng vào ngày các đơn vị quân Pháp kéo vào Hà Nội thay thế quân đội Trung Hoa-Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để cập nhập tình hình và tìm những giải pháp để ứng phó.
5 giờ chiều, sau khi 1.200 quân cùng 200 chiến xa của Pháp từ Hải Phòng về tới Hà Nội, Leclerc, người đứng đầu lực lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương và Uỷ viên Cộng hoà Pháp J.Sainteny cùng nhiều tướng lĩnh khác như Salan, Valuy, Pignon… đến chào Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người đại diện cho nước Pháp lên tiếng chào: “Thưa Chủ tịch, người Việt Nam và người Pháp chúng ta bây giờ trở thành những người bạn”.
Trong tiệc rượu, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Trong cuộc bang giao giữa chúng ta, nếu Anh, Mỹ đã đi trước chúng ta vì đã hứa cho Ấn Độ và Phi Luật Tân (Philipines) được độc lập, thì chúng tôi cũng có thể tự hào rằng Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 đã cùng ký kết theo tinh thần đó… Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau… để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu cho hoà bình thế giới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cộng sự của mình (từ trái qua): Phạm Văn Đồng, Chu Xương, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp
Có thể nói rằng biết khại thác những nhân tố tích cực trong chính giới Pháp như Leclerc, Sainteny… Bác đã đưa đất nước ta thoát hiểm trong gang tấc trước những âm mưu của cá thế lực “diều hâu” của cả Pháp và Trung Hoa Dân quốc. Trên thực tế, Pháp và Trung Hoa từ lâu đã có những mặc cả về Đông Dương cho nên việc ký kết được Hiệp ước 6/3/1946 đã biến việc quân đội Trung Hoa rời khỏi Việt Nam để Pháp thay thế thành một sự “nhượng bộ” của phía ta buộc Pháp cũng phải đáp lại bằng một thái độ hoà hoãn, tránh cho cuộc chiến tranh bùng nổ sớm, bất lợi cho lực lượng cách mạng Việt Nam còn “trứng nước”.
Ít lâu sau, nhận xét về tướng Leclerc, Bác có nói với nhà báo Dessingé, của tờ “Paris-Saigon” rằng “Ông ta (Leclerc) là một con người thẳng thắn, trung thực, thật thà, một con người tử tế (un chic type)… Chính với những con người như thế mà người ta mong muốn bàn bạc”.
Ngày hôm sau, cả hai bên Việt-Pháp, đều đưa những đơn vị quân đội của mình tổ chức một cuộc duyệt binh chung, và Tướng Leclerc, con người đã dẫn đầu Đoàn quân Pháp trong lực lượng Đồng Minh vào giải phóng Thủ đô Paris, có lần đã nói với Võ Nguyên Giáp: “Ngài hãy nói với người Việt Nam rằng, họ có thể tin tưởng ở tôi. Nhưng tôi là người Pháp và trong sự tôn trọng nguyện vọng của nhân dân các ngài, tôi sẽ hành động với tư cách là người Pháp, trước tiên là người Pháp”.
Thế nhưng, sau đó không lâu, những người Pháp thiện chí như Leclerc cũng bị phái “diều hâu” tìm cách gạt bỏ. Ông đã được lệnh rời khỏi Việt Nam thực hiện một sứ mạng ở châu Phi rồi chết trong một vụ tai nạn đầy ẩn khuất.
X&N
bee.net.vn