– Ngày 17/3/1952, Bác Hồ có bài nói chuyện tại Hội nghị phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm diễn ra ngay trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt nhất, nhằm khẳng định mục tiêu của cả nước lúc này không chỉ là kháng chiến mà còn phải kiến quốc.
Bác nhấn mạnh: “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Vì vậy từ khu đến tỉnh, huyện cho đến xã phải làm thế nào cho kế hoạch đó thiết thực và nhất định phải làm cho kỳ được. Làm kế hoạch một cách dân chủ như vậy, nhất định chúng ta thành công.
Tháng 3/1951, Bác Hồ và Bác Tôn cùng các đại biểu phụ lão và thiếu nhi tại ĐH Thống nhất Mặt trận
Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm muốn thành công cần ba điều kiện: thiên thời, địa lợi, nhân hoà và nhân hoà là chính. Nhân hòa gồm 3 lực lượng: Đoàn thể và Chính phủ; bộ đội và nhân dân; cán bộ”.
Bác khẳng định: “Kinh nghiệm đã tỏ rằng chính sách, phương châm của Chính phủ và Đoàn thể là đúng. Kinh nghiệm cũng tỏ rằng bộ đội và nhân dân bao giờ cũng sẵn sàng chịu đựng hy sinh, bất kỳ trong mọi việc lớn hay nhỏ”.
Và Bác cho rằng vấn đề còn lại là: cán bộ. Có những cán bộ tốt làm đúng đuờng lối và sâu sát nhân dân, nhưng cũng có những cán bộ làm sai.Vì thế phải quan tâm dến công tác cán bộ.
Bài nói cũng đề cập tới nhiệm vụ “chống quan liêu, tham ô, lãng phí”. Vì công cuộc sản xuất và tiết kiệm “cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả, nhưng cũng có những con sâu mọt, rút lá , cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy : bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí…
Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: lãng phí của cải, lãng phí thời giờ, lực lượng của nhân dân, của Chính phủ…”.
Bác phân tích “bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở được… Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu”.
Bài phát biểu cũng đề cập tới nhiệm vụ “thi đua ái quốc” và khẳng định: “Nhờ thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng. Nay ta kháng chiến để xây dưng một nước dân chủ mới, chỉ có thi đua mới giúp ta tiến bộ trên con đường ấy”.
Lời kết luận của Bác: “Tóm lại ta có 2 việc phải làm và 3 điều phải chống. Hai việc phải làm là:… Thi đua giết giặc lập công, thi đua tăng gia và tiết kiệm. Ba điều phải chống là: Nạn tham ô, nạn lãng phí, bệnh quan liêu. Chúng ta nhất định làm được.
Những cán bộ già còn nhớ thời kỳ bí mật, chúng ta không có tiền, không có nhà ở, không có cơm ăn mà còn làm cách mạng thành công. Nay chúng ta có chính quyền, có mặt trận, có bộ đội, có đoàn thể nhân dân hưởng ứng, hơn nữa, có các nuớc bạn giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất, thì chúng ta nhất định sẽ thành công…”
X&N
bee.net.vn