– Ngày 11/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh lên đường trở về Chiến khu Việt Bắc, kết thúc chuyến thăm Liên Xô và Trung Quốc tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến đang đứng trước những thử thách quyết định.
Trước khi rời thủ đô nước bạn, Bác làm bài thơ chữ Hán “Ly Bắc Kinh”: “Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt/ Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du/ Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?/Bán tuỳ cựu hữu, bán chinh phu” (Bản dịch của Phan Văn Các: Rời Bắc Kinh/ Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi/ Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời/ Vầng trăng ai sẻ làm đôi?/Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành).
Tháng 3/1951, Bác Hồ và Bác Tôn cùng các đại biểu phụ lão và thiếu nhi tại ĐH Thống nhất Mặt trận.
Đây là một chuyến đi bí mật trong bối cảnh biên giới phía Bắc nước ta vẫn bị quân Pháp kiểm soát và phía bên kia biên giới, tàn quân Quốc dân Đảng Trung Hoa và bọn thổ phỉ vẫn còn hoạt động. Do vậy, thời điểm khởi đầu chuyến đi chỉ được xác định là đầu tháng 1/1950. Sau này được biết, trước khi lên đường, Bác đã để lại nhiều bài báo hay bài phát biểu viết sẵn để công bố vào thời điểm Bác đã rời đất nước nhằm đánh lạc hướng của kẻ thù.
Vượt cửa khẩu ở Tà Lùng, cùng đi còn có Trần Đăng Ninh, người phụ trách hậu cần của quân đội và được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đón đến Long Châu rồi đến Nam Ninh (18/1) và rời đây để đi Bắc Kinh.
Tại thủ đô của nước Cộng hoà Nhân dân mới được thành lập được hơn 2 tháng (10/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, nhưng 2 nhà lãnh đạo chủ chốt là Mao Trạch Đông và Chu Ân Lại thì đang ở Matxcơva để chuẩn bị ký Hiệp ước Tương trợ Xô-Trung. Để mở rộng quan hệ ngoại giao với cả Liên Xô và Đông Âu, Bác đã đề nghị và được phía Trung Quốc tạo điều kiện để qua tiếp Matxcơva.
Ngày 1/2/1950, cả Mao Trạch Đông và Nguyên soái Stalin đều gửi điện đến Bắc Kinh chào Hồ Chí Minh. Tối 9/2, các nhà lãnh đạo Xô viết mở tiệc chào mừng nhà lãnh đạo cách mang Việt Nam nhưng vắng mặt người lãnh đạo cao nhất. Ít hôm sau, Bác mới được tiếp kiến Stalin và nhận được sự bảo đảm Liên Xô sẽ viện trợ cho Việt Nam nhưng thông qua “các đồng chí Trung Quốc”.
Trong không khí của cuộc chiêu đãi chào mừng Đoàn Trung Quốc, Bác đề cập tới một Hiệp ước Tương trợ Xô-Việt, Stalin hỏi: “Nếu người ta hỏi đồng chí từ đâu đến thì chúng tôi biết giải thích như thế nào?”, Bác đã trả lời: “Điều đó thì dễ thôi. Đồng chí cứ cho một chiếc máy bay chở tôi bay quanh một vòng, sau đó đưa một số người ra sân bay đón chúng tôi, rồi đăng tin lên báo, chẳng lẽ không được sao?”. Mọi người đều cười, Satlin cũng cười to rồi nói: “Quả là người phương Đông giàu trí tưởng tượng !”.
Chiều 1 Tết Canh Dần, cách đây đúng 60 năm, Bác rời nước Nga trên chuyến tàu hoả cùng với 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc để tiếp tục hoạch định sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam nó sẽ được cụ thể hoá sau đó không lâu bằng Chiến dịch giải phóng Biên giới.
Sau khi rời Bắc Kinh, ngày 11/3/1950, ngày 19/3, đã đến sát biên giới Tổ quốc, khi đến Long Châu, Bác có làm một bài thơ với lời dịch như sau: “Còn cách Long Châu ba chục dặm/ Nghe tàu bay rú, pháo gầm rung/ Nhân dân nước Việt, anh hùng thật/ Diệt thù, dựng nước ắt thành công”.
X&N
bee.net.vn