Chuyện ký kết Hiệp định Sơ bộ

– Ngày 6/3/1946, hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại: Đó là một thời điểm nghiêm trọng.

Buổi sáng, đụng độ đã nổ ra giữa quân Pháp và quân Tưởng tại cảng biển Hải Phòng. Ngoại giao con thoi giữa tất cả các bên đều diễn ra khẩn trương để tháo ngòi nổ. Tình thế đã khiến cho cả Pháp lẫn Trung Hoa Quốc dân Đảng đều muốn Pháp – Việt có một thoả thuận, ít nhất là tạm thời để tránh xung đột nổ ra.

Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các thành viên Việt - Pháp tham gia ký Hiệp định Sơ bộNgày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các thành viên Việt – Pháp tham gia ký Hiệp định Sơ bộ

Tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ họp để hoàn chỉnh dự thảo một văn bản để ký kết với Pháp. Bác thấy đã đến lúc cần đi đến một quyết định bằng cách đưa ra giải pháp “Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do” thay vì đòi “độc lập” mà lúc này Pháp không thể thừa nhận và cũng tránh được khái niệm “tự trị” của phía Pháp áp đặt mà chúng ta cũng không thể chấp nhận.

Toàn thể hội đồng đã nhất trí và ký vào biên bản tán thành. Buổi trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hoàng Minh Giám tiếp tục thảo luận những nội dung cuối cùng với đại diện phía Pháp J.Sainteny .

Và 16h30 phút Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, với những điều khoản khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính của mình; việc hợp nhất ba kỳ do nhân dân Việt Nam tự giải quyết… và nằm trong Liên bang Đông Dương cũng như trong Khối Liên hiệp Pháp.

Việc ký kết có sự chứng kiến của các bên liên quan và cả đại diện phái bộ Mỹ và lãnh sự Anh.  Phát biểu sau lễ ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”.

Đây là một quyết định sáng suốt nhưng đầy khó khăn. Sáng suốt bởi vì nó giúp cho lực lượng cách mạng còn quá non trẻ tránh phải đương đầu với một cuộc chiến tranh nằm trong mưu đồ của các thế lực diều hâu trong chính giới Pháp và các thế lực chống đối ở trong nước như Việt Quốc, Việt Cách… Còn khó khăn bởi vì phải làm sao cho đồng bào hiểu rằng đó là một sách lược chứ không phải từ bỏ mục tiêu giành độc lập hoàn toàn.

Trong “Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ”, Bác chân thành bày tỏ: “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà… Vì tin vào sự hoàn toàn độc lập tương lai của nước nhà, tôi cùng Chính phủ đã ký bản Hiệp định Sơ bộ với Chính phủ Pháp…” và kêu gọi “đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ”.

Vì muốn tránh một cuộc chiến tranh, Bác đã làm hết sức mình, qua nước Pháp 3 tháng rưỡi để vận động hoà bình và hợp tác, ký Tạm ước 14/9… Nhưng khi thực dân Pháp quyết xâm lược nước ta một lần nữa thì chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân nhất tề bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến (19/12/1946)…

Chỉ một năm sau ngày ký Hiệp định Sơ bộ, ngày 6/3/1947, khi cuộc kháng chiến toàn quốc đã bước qua tháng thứ ba, gặp gỡ những người làm việc gần mình, Bác giải thích: “Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu mà sức giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi sức mình cho khỏe lên…

Khi sức ta đã khoẻ, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi”.

Và những người giúp việc gần Bác nhất từ đó, mang các tên: Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

X&N
bee.net.vn

Advertisement