– Ngày 5/3/1947, trước tình hình quân Pháp từ Hà Nội đang âm mưu chiếm tỉnh lỵ Hà Đông để gây thanh thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bức thư để ứng phó với tình hình chiến sự đang diễn ra rất gay go, ác liệt và động viên nhân dân tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
Trước tiên, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, sau khi vạch trần thủ đoạn của địch, Bác động viên: “Chúng ta không hoang mang. Chúng ta phải nhẫn nại, phải cương quyết. Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay ta”.
Quan điểm ấy được đưa ra trên cơ sở phân tích rằng: “Vì địch càng rải ra nhiều nơi thì lực lượng địch càng mỏng manh. Ta càng sẵn cơ hội mà đánh du kích để tiêu diệt nó dần dần, để đi đến thắng lợi cuối cùng… Trong cuộc kháng chiến lâu dài, tạm thời thắng hay bại là việc thường. Cốt là cuộc thắng lợi cuối cùng”.
Ngày 5/3/1959 Bác Hồ và Tổng thống Sukarno tại cuôc mít tinh của nhân dân Xurabaya.
Trong “Thư gửi đồng bào hậu phương” viết cùng ngày, Bác kêu gọi: “Đồng bào tản cư đi đến đâu, thì đồng bào ở nơi đó… cần an ủi họ, giúp đỡ họ. Có cơm giúp cơm, có cháo giúp cháo. Ít nhất cũng có một bát nước chè, một lời thân ái gọi là tỏ nghĩa đồng tình: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” và kết luận: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”.
Không chỉ với đồng bào của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ lòng mong muốn được sống hoà bình và hợp tác thân thiện với nước Pháp của nhân dân Việt Nam.
Thư lên án âm mưu gây chiến của các thế lực thực dân ở Đông Dương mà tiêu biểu là của Đô đốc D’Argenlieu và nêu rõ: “Chính sách “bắt nạt” của các người đại diện Pháp ở Đông Duơng đã bắt chúng tôi phải chịu đựng cuộc chiến tranh này. Chiến tranh chồng chất đổ nát và tang tóc kên trên đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi cuơng quyết chịu mọi sự hy sinh để bênh vực những nguyện vọng và quyền lợi của chúng tôi.
Chúng tôi muốn độc lâp và thống nhất. Chúng tôi muốn cộng tác với dân tộc Pháp trong Khối Liên hiệp Pháp. Chúng tôi muốn hoà bình để kiến thiết lại nước chúng tôi. Quốc hội và nhân dân Pháp cần phải làm cho cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này chấm dứt, cần phải giải quyết vấn đề Việt – Pháp một cách xứng đáng với nước Pháp mới”.
Thư còn vạch rõ chiến dịch quân sự mà giới thực dân phát động vào ngày 2/3/1947 từ thành phố Hà Nội mới chiếm đóng tiếp tục đánh chiếm Hà Đông và một số vùng lân cận chỉ “đoạt được những đống gạch vụn. Nhưng trái lại, họ đã mở đầu cho thời kỳ chiến tranh du kích tốn kém và ác hại, có thể kéo dài tới 10 hay 20 năm”.
Bức thư kết luận: “Máu Pháp và Việt chảy đã nhiều. Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện”.
X&N
bee.net.vn