– Ngày 23/2/1962, đến dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về công tác ngoại giao, Bác nhắc nhở: “Cần có sự kiểm tra, đôn đốc cán bộ ngoại giao và nhắc nhở họ rằng đừng tham”.
Cũng trong thời gian này, Bác đến nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ. Với kinh nghiệm của một nhà hoạt động cách mạng từng trải, Bác phân tích những phẩm chất cần có để nâng cao hiệu quả công tác cảnh vệ như kỹ thuật phải khéo léo, phải giữ bí mật.
Ngày 3/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu nhân dân Lạng Sơn
Bác còn nhấn mạnh đến một khía cạnh nữa là “thái độ đối với nhân dân” và nêu dẫn chứng: “Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt.
Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ, Bác cũng như các chú, đếu nói là phục vụ nhân dân.
Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được, cho nên phải làm thế nào vừa để bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào. Tóm lại, các chú muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào”.
Còn trong hồi ức của mình, Đại tá Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục cảnh vệ, Bộ Công an, người trực tiếp phụ trách công tác bảo vệ Bác đã kể lại: “Tôi bị Bác phê bình gay gắt nhất là vào dịp bầu cử năm 1969. Năm đó Bác đã yếu nhiều , vì vậy rất khó giữ bí mật về sức khoẻ của Bác.
Địa điểm Bác đến bỏ phiếu là Nhà thuyền Hồ Tây, quận Ba Đình, Hà Nội. Chúng tôi định khi nào nhân dân bầu gần xong thì đưa Bác vào hoặc để dân dừng một lúc để Bác bỏ phiếu trước. Khi biết chuyện, Bác nghiêm nghị nói với tôi: “Chú có biết Nguyễn Hải Thần vì sao dân ghét không? Ai là người bảo vệ Bác? Chú nhớ là: Nhân dân là người bao vệ tốt nhất cho Bác!”.
Nghe Bác hỏi, tôi giật mình, nhớ lại năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải Thần (một nhà hoạt động chính trị dựa vào thế lực của quân phiệt Trung Hoa để đòi chia sẻ quyền lực sau khi Việt Minh lãnh đạo nhân dân giành được độc lập) đi đầu bọn lính bảo vệ của ông ta ngồi trên xe, tay lăm lăm chĩa súng ra ngoài. Một khẩu trung liên đuợc đặt trên nóc xe, luôn luôn sẵn sàng nhả đạn, trông rất chướng mắt” (Chuyện kể những người giúp việc Bác Hồ, NXB Thông tấn, H.2003, tr.134).
X&N
bee.net.vn