Ngày 19/2: Vị luật sư “cứu sống” Bác Hồ

– Ngày 19/2/1960, ông bà luật sư Loseby, ân nhân đã cứu Bác Hồ khỏi nhà tù của thực dân Anh trong vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (1931-1933) sau chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi trở về đã viết thư cảm ơn Bác.

Trong lá thư có đoạn: “Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống Ngài”, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và mãi mãi là một việc làm sáng suốt…”.

Ông Francis Henry Loseby (1883-1967) sinh trưởng ở nước Anh, làm luật sư trong quân đội hoàng gia trong Thế chiến I, năm 1926 sang Hồng Kông, lúc đó là thuộc địa của Anh trên lãnh thổ Trung Quốc và mở văn phòng luật sư.

bác cùng vị luật sư Loseby gặp công nhân Nhà máy Trung Quy mô 2-1960Bác cùng luật sư Loseby gặp công nhân Nhà máy Trung Quy mô tháng 2/1960

Trước vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, ông đã từng cãi giúp một người Việt Nam thoát khỏi bản án trao cho thực dân Pháp. Thời kỳ phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc, ông đã từng tham gia đội quân tình nguyện bảo vệ Hồng Kông vì thế bị Nhật bắt giam từ 1/1942 đến 8/1945. Ông sống ở Hồng Kông cho đến lúc qua đời năm 1967. Được tin ông qua đời, Bác Hồ đã gửi vòng hoa đến viếng.

Năm 1960, sau khi đã cho người tìm được gia đình luật sư Loseby ở Hồng Kông, Bác viết thư mời sang thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày 26/1/1960, ông bà Loseby cùng con gái đến Hà Nội, Bác Hồ ra tận sân bay đón và đưa về nhà khách. Những ngày tiếp theo Bác dẫn gia đình ân nhân của mình đi thăm nhiều nơi và ngày 3/2 tiễn trở về Hồng Kông.

Bác Hồ chụp ảnh với đoàn đại biểu dự hội nghị cán bộ phụ trách thiếu niên toàn quốc do Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam tổ chức ngày 19/2/1959Bác Hồ chụp ảnh với đoàn đại biểu dự hội nghị cán bộ phụ trách thiếu niên toàn quốc do Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam tổ chức ngày 19/2/1959

Về chuyến đi này, ông Loseby kể: “Năm 1956 một nhà báo Anh (đảng viên cộng sản Anh) sang thăm Việt Nam về Hương Cảng đến tìm và trao cho tôi một bức thư và 2 bức ảnh Hồ Chủ tịch, một bức gửi cho vợ chồng tôi, một bức gửi cho con gái tôi… Chúng tôi gửi thư cám ơn và gửi ảnh cho Hồ Chủ tịch.

Sau đó đại diện Sở vận tải Trung Hoa ở Hương Cảng điện thoại cho chúng tôi 2 lần và đến gặp chúng tôi, gửi cho chúng tôi một gói quà của Hồ Chủ tịch, trong đó có một bức thêu Chùa Một Cột và một cái khay sơn mài và một bức thư của Hồ Chủ tịch mời sang thăm Việt Nam…”.

Trong buổi đến thăm và gặp gỡ cán bộ công nhân Nhân Nhà máy Cơ khí Trung quy mô ở Hà Nội, ngày 2/2/1960, Bác Hồ mào đầu: “Bác xin giới thiệu với các cô chú, đây là luật sư Loseby, ân nhân của Bác. Nếu không có luật sư thì chưa biết Bác sống chết ra sao?…”.

Còn vị luật sư người Anh thì bày tỏ: “Các bạn rất may mắn có một vị lãnh tụ rất vĩ đại và tốt là Hồ Chủ tịch… Khi gặp Hồ Chủ tịch chúng tôi rất cảm động nhưng chúng tôi không lạ vì chúng tôi thường được xem ảnh luôn và chúng tôi xem Bác như người nhà của chúng tôi. Hồ Chủ tịch là một người bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng làm cho mọi người mến phục. Không phải bây giờ, ở đây như vậy mà trước kia khi ở Hương Cảng, trong hoàn cảnh khó khăn cũng vậy.

Hồ Chủ tịch có cái biệt tài là làm cho mọi người đều cười được từ các em thiếu nhi hôm chúc Tết ở Chủ tịch phủ, đến các em nhi đồng ở Trại nhi đồng miền Nam và đến cả các anh em công nhân Nhà máy Trung quy mô cũng vậy. Hồ Chủ tịch có thể làm cho mọi thứ đều cười…

Đến Việt Nam, tôi thấy một điều làm cho tôi thấy đặc biệt là mọi người đều vui vẻ, ai cũng có nụ cười trên môi… Nhiều điều tôi mới được thấy lần đầu và vượt quá ý nghĩ của chúng tôi… Tôi có thể kết luận rằng đó là kết quả của cả cuộc đời hy sinh của Hồ Chủ tịch cho nhân dân Việt Nam”.

Trong buổi tiễn đưa gia đình luật sư Loseby tại sân bay Gia Lâm, Bác không quên dặn cô con gái của ông bà: “Bao giờ có đám cưới, cháu Pat nhớ cho Bác hay nhé”.

X&N

bee.net.vn

Advertisement