– Ngày 15/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời bức điện của Đại uý Charles Fenn, một sĩ quan tình báo trong đơn vị OSS đã từng tiếp xúc với Bác Hồ trong thời gian ở Côn Minh.

Ngày 15/2/1965, Bác Hồ đọc văn bia tại chùa Côn Sơn, Hải Dương.
Bức thư trả lời bằng tiếng Anh bày tỏ: “Chúng tôi cảm kích vì thiện chí của Ngài muốn giúp Việt Nam. Nếu như Ngài tới đây với tư cách là một nhà báo Mỹ của một tờ báo lớn thì Ngài có thể làm được rất nhiều việc”.
Charles Fenn, trong Đại chiến Thế giới lần thứ II là một trung uý hải quân Hoa Kỳ được phái đến công tác tại AGAS (cơ quan hỗ trợ cho không quân tại mặt đất) lúc này đóng tại Côn Minh (Trung Quốc). Đó cũng là thời điểm Hồ Chí Minh đưa viên trung uý phi công Shaw được Việt Minh cứu sống khi máy bay bị quân Nhật bắn rơi trên chiến trường Bắc Đông Dương, sang Côn Minh để tìm cách trao trả cho Đồng Minh nhằm xác lâp mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Thực thi chức trách của mình, Ch. Fenn đã bố trí cuộc tiếp xúc đầu tiên vào ngày 17/3/1945. Sau này , trong hồi ức của mình Ch.Fenn đã thuật lại: Hồ Chí Minh cùng đi với một người trẻ tuổi tên là Phạm. Trước đó ông Hồ đã tìm gặp một số người Mỹ nhằm vận động sự công nhận đối với tổ chức Việt Minh như một thành viên trong lực lượng chống phát xít.
Ba ngày sau, hai người gặp lại nhau để nhất trí việc đưa một số thiết bị thông tin và đào tạo các báo vụ viên cho Việt Minh. Tiếp đó, Hồ Chí Minh yêu cầu Ch. Fenn giúp đỡ để trực tiếp gặp Tướng Claire Chennault, tư lệnh một Tập đoàn không quân của Mỹ mang biệt hiệu “Hổ bay” đang đóng bản doanh tại vùng Hoa Nam Trung Quốc, cũng là người dại diện cao nhất của Đồng Minh tại khu vực.
Cuộc gặp đã diễn ra ngày 29/3/1945 và sau cuộc gặp này mối quan hệ giữa Việt Minh và Đồng Minh được xác lập. Phía Mỹ đã cung cấp thiết bị liên lạc, một số vũ khí nhẹ và ngày 17/7 năm đó, một đơn vị đặc biệt mang biệt danh “Con Nai – The Deer” của OSS (Cơ quan tình báo chiến lược) của Mỹ đã nhảy dù xuống Tân Trào, tham gia huấn luyện, xây dựng sân bay dã chiến và thành lập Đại đội Việt – Mỹ… Phía Việt Minh sẽ cung cấp những thông tin tình báo và khí tượng cho không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường đánh Nhật ở miền Bắc Đông Dương…
Đơn vị này đã tham gia bao vây quân Nhật ở Thái Nguyên và về Hà Nội sau khi Việt Minh giành được chính quyền. Nhưng ngay sau đó, chính phủ Mỹ yêu cầu các quân nhân Mỹ phải rời khởi Việt Nam…
Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ những liên hệ với Ch. Fenn với nhiều tình cảm tốt đẹp. Trong thư đề tháng 8/1945 gửi Ch. Fenn, Bác viết: “Chiến tranh đã kết thúc. Đây là điều tốt cho mọi người. Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ rời chúng tôi quá nhanh…
Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi…Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi sẽ đat đựơc mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng tôi ở Đông Dương hay trên đất Mỹ”.
Bức thư đề ngày 15/2/1947 giữa lúc nhân dân Việt Nam đang kháng chiến chống thực dân Pháp và vào lúc chính sách của Mỹ ngày càng đồng loã với cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Đông Dương, cho thấy quan điểm của Bác luôn tin tưởng vào một bộ phận tiến bộ trong nhân dân Mỹ sẽ đứng về nhân dân Việt Nam.
Sau khi Bác Hồ qua đời, Ch.Fenn đã là người viết cuốn tiểu sử chính trị đầu tiên về Hồ Chí Minh bằng Anh ngữ xuất bản ở phương Tây (1973: “Hồ Chí Minh một tiểu sư chính trị”) và vì thế mà bị chính quyền Mỹ trục xuất khỏi đất nước của mình.
Tháng 8/1995, ngày sau khi quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hoá, Ch.Fenn cùng các cựu chiến binh của đơn vị “Con Nai” đã trở lại thăm Việt Nam. Khi đã ngoài 100 tuổi (năm 2004) Charles Fenn còn viết: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp những khó khăn chồng chất đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”.
X&N
bee.net.vn