– Ngày 12/2/1951, theo dõi sát tình hình chiến sự đang diễn ra khốc liệt ở Triều Tiên, nơi đụng đầu của “2 phe”, dưới bút danh “Đ.X” Bác viết bài “MIG” đăng trên báo “Cứu Quốc”.
Tác giả đặc biệt quan tâm đến loại phi cơ chiến đấu MIG của Liên Xô và đặt sự tin tưởng vào loại MIG19 “bay mau như tia chớp” sắp được đưa vào chiến trường sẽ góp phần “vạch trần tính khoác lác của Mỹ vẫn thường khoe máy bay Mỹ là vô địch”.
Ngày 12/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì, Phú Thọ (mùng 1 Tết).
Tuy nhiên, theo Anh hùng Không quân Lưu Huy Chao trong cuốn sách “Chúng tôi và MIG17” (NXB Công an Nhân dân, 12/2009) cho biết, trên thực tế loại máy bay chiến đấu MIG17 được Liên Xô sản xuất hàng loại từ năm 1951 cũng như MIG19 đã chưa kịp tham chiến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Sau này, Trung Quốc cũng sản xuất được và sử dụng trong cuộc đụng đầu tại eo biển Đài Loan giữa không quân của Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa và không quân Trung Hoa Dân quốc vào năm 1958 giữa MIG17 và F86 do Mỹ sản xuất. Nhưng tại đây MIG17 vẫn bị yếu thế .
Khi cuộc Chiến tranh phá hoại của Mỹ được phát động ở miền Bắc nước ta thì MIG17 đã bị coi là lạc hậu, “quá đát” (out of date). Vậy mà chính những chiếc MIG17 này đã trực tiếp đương đầu và bắn hạ được những máy bay tiêm kích hiện đại của Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
10h35 ngày 6/8/1964 một ngày sau sự kiện 5/8/1964 Mỹ dùng không quân và hai quân đánh vào Nghệ An và Quang Ninh, 4 chiếc máy bay MIG17 cất cánh từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) đã hạ cánh xuống sân bay vừa được xây dựng ở Nội Bài phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
Ngay ngày hôm sau, 7 – 8 máy bay do thám U2 của Mỹ đã bay ngang qua sân bay này và sau đó Đài BBC đã loan tin, nhưng viên tướng J.Paul, chỉ huy tàu sân bay “USS Constellation”của Mỹ tuyên bố: “Cuộc chiến đấu với phi công Việt Nam chỉ là trò chơi. Các máy bay trinh sát cho phép người Mỹ nắm rõ lực lượng không quân non trẻ, một dúm máy bay cổ lỗ trú trong những bức tường bằng đất đắp không mái che”.
Ngày 4/11 năm đó, khi toàn bộ Trung đoàn không quân tiêm kích MIG17 đầu tiên đã về nước và sẵn sàng chiến đấu, Bác Hồ đã thăm và động viên thế hệ các chiến sĩ đầu tiên của Không quân Việt Nam rằng ông cha ta đã đánh thắng giặc ngoài xâm trên mặt đất và trên mặt nước sông biển, nay chúng ta sẽ đánh thắng chúng trên bầu trời của Tổ quốc.
Và trong hai ngày 3 và 4/4/1965, những chiếc máy bay MIG17 mà được nhân dân đặt tên là “én bạc” đã xuất hiện trên bầu trời Tổ quốc cùng với toàn binh chủng phòng không và nhân dân hiệp đồng tác chiến tham gia bảo vệ Cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá). 7h30 sáng 3/4/1965 phi đội do Phạm Ngọc Lan chỉ huy đuợc phân công đánh chặn và phi đội của Trần Hanh thực hiện nhiệm vụ nghi binh đã xuất kích.
Ngay trong trận đánh đầu tiên này, Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc đã bắn rơi 2 chiếc F8E của Mỹ. Còn trong trận chiến ngày hôm sau 4/4, không lực Mỹ mất thêm 2 máy bay “Thần Sấm” F105D còn các phi công Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm hy sinh và là những liệt sĩ đầu tiên của không quân nước ta…
Sau trận đánh này Bác đã gửi thư khen ngợi không quân ta đã thực hiện được truyền thống ra quân đánh thắng ngay trận đầu. Ngày 17/6 năm đó, lần đầu tiên MIG17 giáp mặt với loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ khi đó là F4 “Con Ma” và chính loại máy bay MIG17 đã bị coi là “out of date” đó đã bắn hạ 2 chiếc F4. Trong trận đó, phi công Trọng Lê bị hy sinh và máy bay của Nguyễn Nhật bị bắn cháy, phi công phải nhảy dù….
Cho đến cuối năm 1965, máy bay tiêm kích MIG21 bắt đầu về nước và thay thế dần loại MIG17… Như thế, điều mà Bác Hồ đã viết trong bài báo của mình từ năm 1951 đã trở thành hiện thực ngay trên bầu trời nước ta và ưu thế của MIG không phải chỉ là kỹ thuật mà quan trọng hơn hết là lòng quả cảm và trí thông minh của con người Việt Nam mang tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Bác đã tổng kết.
X&N
bee.net.vn