– Ngày 9/2/1967 là mồng 1 Tết Đinh Mùi, kết thúc “Thư chúc mừng năm mới” Bác lại dành viết mấy vần thơ: “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”.
Buổi sáng hôm ấy, Bác đến thăm đơn vị không quân tiêm kích thuộc Đoàn Sao Đỏ mang phiên hiệu 921.
Trước đó không đầy 3 năm, chỉ một ngày sau khi đế quốc Mỹ quyết định phát động cuộc Chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên miền Bắc nước ta (6/8/1964), những chiếc máy bay tiêm kích MIG 17 đầu tiên đã hạ cánh xuống các sân bay của chúng ta.
Ngày 9/2/1967, Bác Hồ thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam
Đến ngày 9/11/1964 thì toàn bộ Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên đã về nước và sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp nhận nhiệm vụ khi Bác đến thăm đơn vị và căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, biển như Bạch Đằng, Hàm Tử…, trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiêm ấy trước hết là của các chú”.
Ngày 3 và 4/4/1965, các biên đội đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam xuất kích bảo vệ bầu trời Cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) và lập những chiến công đầu. Bác Hồi đã gửi thư khen (5/4/1965): “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu đã đánh là thắng”…
Cho đến đầu năm 1967 đã có hai đại đội không quân thuộc các đoàn 921 và 923 cùng 3 phi công (Trần Hanh, Nguyễn Văn Bảy và Lâm Văn Lích) được phong tặng Anh hùng. Vào thời điểm ngày Tết, Mỹ đang tạm dừng ném bom…
Về chuyến thăm của Bác, hồi ký của Thiếu tướng Phan Khắc Hy , nguyên chính uỷ Binh chủng Không quân kể lại:
“Sáng mồng một Tết này trời ấm áp, không mưa… Đúng 7 giờ 30 phút, đoàn xe của Hồ Chủ tịch đến. Bác xuống xe, cùng đi có đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng và Nhà thơ Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí Tư lệnh báo cáo với Hồ Chủ tịch.
Bác vẫy chào bộ đội, mọi người đồng thanh hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác đi duyệt hàng quân. Dừng lại trước một chiến sĩ trẻ, sờ vào áo trấn thủ của anh, Bác hỏi: “Cháu mặc có ấm không ?”. Chiến sĩ trẻ trả lời: “Dạ, có ạ”.
Đi hết lựợt hàng quân Bác đến trước chiếc bàn đã để sẵn quà của Bác tặng bộ đội, Bác nói: “Bác cùng các chú Văn Tiến Dũng, Tố Hữu thay mặt Đảng và Chính phủ đến chúc Tết các chú. Trước hết, chú Tố Hữu sẽ đọc thơ Xuân mừng các chú”.
Đồng chí Tố Hữu đọc cho bộ đội nghe bài thơ “Chào Xuân 1967” vừa sáng tác. Đoạn cuối lời thơ như thúc dục mọi người xung trận: “Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc/ Rạo rực lòng ta, trống trận Quang Trung/ Tổ quốc dục cả hai miền Nam, Bắc/ Hãy xung phong! Hỡi mùa Xuân 1967 anh hùng!”
Ngày 9/2/1967 là mồng 1 Tết Đinh Mùi, Bác Hồ thăm và nói chuyện với thiếu nhi xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc
Tiếng vỗ tay của bộ đội hoan hô đồng chí Tố Hữu vừa dứt, Bác chỉ tay vào gói quà giữa bàn và nói: “Bác có cái này, ngọt hơn thơ Tố Hữu, tặng các chú… Bác chúc Không quân Nhân dân “Đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi, đạt nhiều thắng lợi mới”… Chỉ vài ngày sau, cuộc chiếu đấu chống trả máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội vô cùng quyết liệt…
Cùng ngày 9/2/1967, Bác còn đến thăm đồng bào xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn ( Hà Bắc) và căn dặn: “Chúng ta phải loại trừ cái tệ thiếu dân chủ, loại trừ cái thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”.
X&N
bee.net.vn