– Ngày 31/1/1933, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa” Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc) trở về với nước Nga vào hơn một tuần trước đó (22/1), sau khi Toà án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.
Đây được coi là văn kiện cuối cùng liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Nó cho thấy sự khôn ngoan của nhà cách mạng Việt Nam cũng như những thủ thuật mà những người Anh có cảm tình với Tống Văn Sơ (bí danh của Nguyễn Ái Quốc đồng thời là danh xưng chính thức trong vụ án) đã “lách luật” để không đẩy nhân vật này vào tay nhà cầm quyền Pháp đang giăng bẫy và gây sức ép với Chính phủ Anh.
Ngày 31/01/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm gia đình cụ Công Thị Tý, xã Phú Thượng
Văn bản của Thống đốc Anh cho biết: “Các luật sư của Nguyễn Ái Quốc ở đây được thông tin về câu giải thích sai bức điện ngày 8/10 (1932) của Ngài (Bộ trưởng Thuộc địa Anh Phililip Lister) rằng việc cho phép Nguyễn Ái Quốc đến Anh không bị từ chối”. Văn bản còn cho biết Nguyễn một mực yêu cầu chỉ rời Hương Cảng bằng các tàu biển Xô Viết nhưng do không có tuyến đường này nên đã phải xuống tàu đi Singapore. Ngay sau đó chính quyền sở tại sợ rắc rối với Pháp nên buộc Nguyễn Ái Quốc phải quay trở lại Hồng Kông và bị bắt lại.
Tuy nhiên, do Toà án Hoàng gia đã có quyết định thả tự do nên các luật sư đã thông báo cho nhà cầm quyền Hồng Kông biết rằng thân chủ của họ sẽ rời Hồng Kông bằng tàu “An Huy” trên hành trình đến Thượng Hải (vào hồi 5 giờ chiều ngày 22/1/1933).
Viên thống đốc đã giúp đỡ bằng cách kiếm một chiếc tàu không phải của chính quyền để Nguyễn Ái Quốc tự lựa chọn cách tiếp cận tàu “An Huy” và tự tìm cách rời khỏi Hồng Kông. Cuối cùng, Nguyễn đã tìm được cách trở về với nước Nga.
Đến tận ngày 25/3/1933, bộ máy cảnh sát của Pháp và các thuộc địa mới phát lệnh truy nã trong đó viết: “Tin tình báo: Nguyễn Ái Quốc bị bắt lần đầu tiên tại Hồng Kông ngày 6/6/1931 đã được nhà cầm quyền Anh phóng thích và trục xuất khỏi Hồng Kông”.
Trong bản báo cáo “tuyệt mật” của Trưởng phòng Đông Dương của Quốc tế Cộng sản gửi Ban Thư ký Phương Đông và Ban Chấp hành QTCS cho biết: “…Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trải qua 2 năm ở nhà tù… Sau một thời gian trong tù, có tin về cái chết của Quốc. Năm 1932 lại xuất hiện tin mới là Ái Quốc không chết, đã ra tù và biến mất… Tháng 6/1934, Ái Quốc đến Matxcơva… Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ đồng chí Vaillant Couturier (lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp) trong thời gian ở Trung Quốc. “
Sau đó Nguyễn Ái Quốc được chuyển tới Trường nghiên cứu Lenin để tiếp tục công việc học tập lý luận… Và những thử thách tiếp tục cho đến khi nhà cách mạng Việt Nam tìm được cách đi qua Trung Quốc (1938) rồi trở về Việt Nam (1941) trực tiếp chỉ đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên quê hương của mình (1945).
X&N
bee.net.vn