– Ngày 26/1/1949 cũng là ngày 28 Tết Canh Thìn, kết thúc kỳ họp của Chính phủ, Bác tham dự đêm lửa trại trước khi chia tay.
Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Đêm nay, một bữa tiệc nhỏ long trọng để đưa tiễn các đại biểu Nam Bộ, đồng thời là bữa “ăn Tết” của chánh phủ. Bữa tiệc vừa vui vừa cảm động.
Sau bữa tiệc có buổi lửa trại. Nhiều trò vui đã được diễn và Hồ Chủ tịch đã có lúc phải cười nhiều nhưng vừa cười vừa chảy nước mắt. Anh em diễn ngày kháng chiến thắng lợi Hồ Chủ tịch vào thăm “Thành phố Hồ Chí Minh” (Sài Gòn) và trước máy truyền thanh chào mừng đồng bào Nam Bộ”.
Ngày 26/1/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội. Người xem suất ăn bồi dưỡng giữa ca của công nhân.
Cũng cần nói thêm rằng Đoàn đại biểu Nam Bộ lặn lội từ chiến trường miền Nam đi suốt dọc đất nước đang trong máu lửa để ra Chiến khu gặp Trung ương và Bác.
Ngày 3/10/1948, Đoàn đến gặp Hội đồng Chính phủ lúc này đang họp dưới sự chủ tọa của Bác và Đoàn đã chuyển tặng “bức họa hình Hồ Chủ tịch và 3 em thiếu nhi tượng trưng Trung Nam Bắc, 3 em vây xung quanh Cụ, một em nắm râu Cụ với bao vẻ mến yêu. Bức họa này của một họa sĩ đã lấy máu mình mà vẽ ra, vừa đẹp và chứa đầy ý nghĩa”…( Đó chính là bức tranh của Họa sĩ Diệp Minh Châu).
Cũng thuật lại đêm lửa trại tiễn đưa Đoàn Nam Bộ, Cụ Hoàng Đạo Thuý, từng là Cục trưởng Cục thông tin của Bộ Tổng Tham mưu, lúc này được Bác điều về làm công tác vận động thi đua có thuật lại cụ thể trong hồi ức của mình: “(Chiều hôm đó) Cụ tìm tôi và bảo: Tối nay, Cụ tổ chức lửa trại nhé? Thưa Cụ, chỉ có mấy ông cụ già với mấy ông bộ trưởng bận bịu, lửa trại khó vui được lắm – Cứ vui chứ!
Bỗng tôi nẩy ra một ý nghĩ tinh nghịch: Nếu tôi làm “trùm lửa” thì ai cũng phải nghe tôi đấy! Nhất định thế! Cụ trả lời tủm tỉm cười, chắc Cụ hiểu ý tôi .
Lửa bùng lên. Ngồi quanh có Cụ Hồ, Cụ Tôn, Cụ Phan Kế Toại, Cụ Phạm Bá Trực và mười ông bộ trưởng. Tôi chắp tay: Xin Cụ Chủ tịch hát mở lửa trại.
Chẳng ngần ngừ gì cả, Cụ vừa bước quanh lửa, lên tiếng hát: “Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh làm cờ…”. Ai cũng thấy lạ, sao Cụ biết bài hát ấy? – Bọn Hướng đạo nó dạy tôi đấy!
Một lần khác, ông Trần Duy Hưng được Cụ đề bạt làm trùm lửa. Hưng cũng trêu Cụ, trêu một cách kính mến thôi, chứ Cụ có bí bao giờ đâu. Hai người ngồi bên Cụ, giang tay làm tàu bay, mồm kêu “ù, ù”. Hưng gọi loa: “A lô, A lô, đồng bào thành phố Hồ Chí Minh (tên này có từ sau Ngày Độc lập) Cụ Chủ tịch vào thăm đồng bào, Cụ có huấn thị…”.
Cụ đứng nhổm ngay dậy: “A lô, đồng bào. Tôi vào thăm đồng bào. Đi tàu bay mệt quá, xin để Bác sĩ Trần Duy Hưng nói với đồng bào thay tôi”. Đến lượt Hưng ta cuống.
Cụ Hoàng Đạo Thuý còn kể: “Năm ấy, Đoàn đại biểu miền Nam lần thứ nhất ra thăm Chính phủ. Đó là đoàn trong đó có ông Trần Bửu Kiếm và một ông cố đạo (tức linh mục Phạm Bá Trực)”. Bày biện đâu đấy cả, có tin Đoàn sắp đến nơi. Đi tìm Cụ thì không ai thấy.
Khi Đoàn bước vào, thì bằng một cửa bên Cụ đã đến ngồi ghế Chủ tịch, bắt tay chào vui vẻ, cảm động. Nhưng quái, làm sao đại biểu cứ ngẩn ngơ thế nào ấy? Thì ra thế này: Cụ được tin Đoàn sắp đến, là Cụ ra rừng. Đoàn đi qua, Cụ ôm hôn từng người, thắm thiết. Đoàn cảm động, không biết là ông Cụ nào thế! Bây giờ được chào Cụ Chủ tịch kính mến và mong đợi, thì không biết có phải là ông cụ lúc nãy không?”.
Đó là hồi ức của những nhân chứng lịch sử về Chính phủ của Cụ Hồ trong những ngày kháng chiến gian khổ!
X&N
bee.net.vn