– Ngày 12/1/1933 Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Tống Văn Sơ lên tàu đi Singapore sau khi Toà án Anh ở Hồng Kông đã ra lệnh thả. Nhà cách mạng Việt Nam quyết định đi Anh, nhưng tàu vừa cập bến cảng Singapore thì chính quyền sở tại theo yêu cầu của nhà cầm quyền ở Hồng Kông ra lệnh cho nhà cách mạng Việt Nam không được nhập cảnh và phải quay lại nơi xuất phát.
Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của các luật sư tiến bộ, chính quyền Hồng Kông buộc phải trả tự do để sau đó, trong vai một thương gia khá giả, Nguyễn Ái Quốc lên tàu tới Hạ Môn để rồi từ đó đi Thượng Hải và trở lại nước Nga, kết thúc “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.
Ngày 12/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước
Ngày 6/6/1931, từ việc bắt một số cán bộ cộng sản ở Sài Gòn và Singapore, địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc khi đó đang trú tại Hồng Kông bị lộ, cảnh sát Anh đã bắt được nhà hoạt động cách mạng đã từng bị chính quyền ở Đông Dương kết án tử hình. Lúc này mang bí danh là Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc bị giam tại Sở cảnh sát rồi nhà tù Victoria.
Ngày 24/6/1931, được một đồng chí người Việt Nam nhờ can thiệp, Luật sư Lôdơbi tiếp cận thân chủ của mình. Sau nhiều lần ra văn bản “lệnh bắt giam” và thẩm vấn, ngày 31/7/1931 Toà án tối cao xét xử ra lệnh trục xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương có nghĩa là để thụ án tử hình.
Với sự giúp đỡ của ông Lôdơbi và một số luật sư tiến bộ khác, sau 9 phiên xét xử, Toà án Hồng Kông đồng ý cho kháng án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh. Ngày 21/7/1932, phán quyết của Vua Anh và Hội đồng Cơ mật cho phép Tống Văn Sơ đến Anh, nhưng chính quyền Hồng Kông tìm cách gây trắc trở cho đến ngày 28/2/1933 mới được tự do…
Ngay sau khi được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách can thiệp với chính quyền Hồng Kông để bắt giữ và Bộ thuộc địa Pháp đã cảnh báo “Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại của phong trào Đông Dương mà các Sở an ninh Đông Dương đều biết là ông ta đã tập trung tất cả trí thông minh, quyền lực và sự nổi tiếng của mình”. Và sau hơn 2 tháng Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hồng Kông, chính quyền thực dân Pháp mới phát lệnh truy nã thì nhà cách mạng Việt Nam đã trở lại với nước Nga.
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gia đình Luật sư Lôdơbi đến Hà Nội để tạ ơn xưa, và vị luật sư người Anh này đã đáp lại rằng: “Ngài nói rằng tôi đã cứu sống Ngài, điều đó có thể đúng. Nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt!”.
X&N
bee.net.vn