– “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”.
Ngày 10/1/1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến quốc. Uỷ ban được thành lập theo một sắc lệnh ký ngày 31/12/1945 gồm 41 thành viên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ.
Bác Hồ thăm Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Tháng 1/1959)
Uỷ ban tập hợp nhiều nhà trí thức, nhân sĩ, những người có chuyên môn cao và uy tín xã hội lớn có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để thực hiện công cuộc kiến thiết quốc gia trên mọi phương diện. Tại cuộc họp này, Bác đã có môt bài phát biểu rất sâu sắc:
“Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã giành được rồi. Lúc này chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc. Các chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước. Còn các ngài, đã đem hết tài năng và tri thức lo bồi bổ vè mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong…
Chúng ta cố thực hiện khâu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng. Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ.
Chúng ta phải thực hiện ngay : 1. Làm cho dân có ăn 2. Làm cho dân có mặc 3. Làm cho dân có chỗ ở 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Tinh thần ấy đã từng một lần nữa được Bác nhắc đến trong “Thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh huyện và làng” đăng trên báo “Cứu Quốc” ngày 17/10/1945, tức là chỉ một tháng rưỡi sau Ngày Độc lập.
Thư viết: “Ngày này, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì !…Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc.
Trong việc kiến thiết nước nhà, sử sang mọi việc, phải làm dân dần…Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải đi đúng theo phương châm…Việc gì có lợi cho dân, ta phả làm hết sức. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
X&N
bee.net.vn