Anh hùng Lê Thanh Đạo kể chuyện diệt F-4

Trong suốt quá trình chiến đấu, phi công Lê Thanh Đạo đã lập công tiêu diệt 6 máy bay địch góp phần vào chiến thắng của toàn quân dân ta trong chống chiến tranh phá hoại miền bắc.

Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo.

Phi công Lê Thanh Đạo sinh năm 1944 tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1965, ông được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô. Năm 1968, ông hoàn thành nhiệm vụ học tập trở về nước tham gia chiến đấu trong Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (Sao Đỏ). Năm 1973, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong một ngày cuối hè 2011, Đất Việt đã có dịp gặp người anh hùng năm xưa. Qua lời kể của ông cụ tóc bạc trắng nhưng thân hình vẫn vạm vỡ, giọng nói sang sảng, chiến công của một thời oai hùng được thuật lại vô cùng hấp dẫn.

Chiến công đầu

Từ ngày 1/11/1968, Không quân Mỹ ngừng ném bom toàn miền bắc. Nhưng năm 1969 chính quyền Nixon chối bỏ cam kết ngừng ném bom tiếp tục các cuộc đánh phá từ vĩ tuyến 17 tới vĩ tuyến 20.

Cuối năm 1971, mật độ đánh phá của Không quân Mỹ ngày càng trở nên ác liệt hơn, các máy bay trinh sát hoạt động liên tục bất kể ngày đêm do thám miền bắc.

Ngày 18/12/1971 là ngày bình thường như mọi ngày. Vào khoảng 3h chiều, còi báo động bất ngờ hú vang ở căn cứ Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (đóng ở Nội Bài), giọng nói trong điện thoại khi đó rất khẩn trương. Người phi công trẻ Lê Thanh Đạo linh cảm hôm nay không phải là một cuộc diễn tập.

Sau tiếng còi báo động, biên đội 2 chiếc tiêm kích MiG-21 nhanh chóng cất cánh bay vút lên cao. Trong đó, chiếc thứ nhất do phi công Lê Thanh Đạo điều khiển.

Biên đội MiG-21 bay về hướng 270 độ theo lệnh của người dẫn đường. Vốn đã làm quen với địa hình nên ông ước lượng rằng mình đang ở khu vực Hòa Bình. Hai chiếc “én bạc” tiếp tục bay qua Ba Vì rồi vượt lên.

“Sau đó tiếp tục có thông báo “phía trước 40km, 20 độ” thêm một đoạn nữa thì “phía trước 30km”. Cảm giác của tôi lúc đó cho rằng minh hơi “đối đầu”, nghĩa là nó đi vào còn mình đi ra,” ông nhớ lại.

Tiếp tục có lệnh “vòng trái 60 độ, phía trước 25km”, phi công số 2 (sau này đã khi hi sinh trong một trận đánh khác) reo lên “tôi phát hiện ra rồi, phía trước có 1 chiếc”. Số 2 khẳng định lại lần nữa “phía trước, bên trái 30 độ, 20 km”.

“Tôi nhìn theo hướng mà phi công số 2 chỉ thì thấy có một chiếc, tôi liền nói “tôi thấy rồi”. Khi đó thì máy bay địch tiếp cận từ 20km rồi còn 15km, còn 10km. Tôi nói với số 2 “tôi công kích chiếc thứ nhất,” ông kể.

Sau đó, ông điều khiển chiếc MiG-21 tiếp cận vào cự ly 5km, trần bay của MiG-21 lúc đó đang ở độ cao 7.000m trong khi máy bay địch là 5.000m. Từ độ cao 7.000m, ông lái MiG-21 bổ nhào xuống tiếp cận ở cự ly khoảng 3km. Lúc này, tên lửa không đối không R3S đã bắt được mục tiêu.

Nhưng lúc đó, ông cho rằng vẫn còn khá xa. “Tôi hướng vào máy bay địch thì thấy nó còn xa, theo kinh nghiệm lớp trước truyền lại (anh hùng Nguyễn Văn Cốc) thì nếu trông thấy kiểu máy bay có cánh đuôi cụp xuống, cánh chính vểnh lên thì F-4 là chính. Vào gần hơn, tôi thấy rõ hai động cơ, tôi quyết định bắn nếu không bắn thì đâm vào nó mất”.

Cầm cần điểu khiển chiếc MiG, ông “bóp cò” phóng tên lửa. “Nhưng nghĩ mãi chả thấy tên lửa ra, dù thực tế chỉ có 3/10 giây để động cơ tên lửa cháy nhưng tôi thấy sốt ruột với thời gian trôi quá lâu,” phi công Lê Thanh Đạo nhớ lại giây phút quyết định đó.

Tên lửa phóng, cảm giác cánh máy bay dềnh lên. Ông nhanh chóng lái MiG thoát ly và nói với số 2 “anh vào công kích tiếp đi”. Ngay lập tức số 2 trả lời “cháy rồi còn đâu”. Ông lật cánh lại và nhìn rõ chiếc F-4 của địch bùng cháy như bó đuốc, một chiếc dù bật ra – phi công địch nhảy dù.

Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (Sao Đỏ).

Ông cùng số 2 thoát ly an toàn về hạ cánh  trong niềm hân hoan với chiến công đầu bắn rơi máy bay địch.

Viên phi công địch bị dân quân Hòa Bình bắt sống, khi lấy cung thì tên này đã khai là chúng thực hiện một phi vụ trinh sát miền bắc. Ban đầu, đúng ra phải có 2 chiếc F-4 cùng xuất kích tuy nhiên 1 chiếc bất ngờ bị hỏng động cơ nên chỉ có một chiếc cất cánh.

Táo bạo, dũng cảm, quyết tâm diệt địch

Không bao lâu sau, tháng 4/1972 chính quyền Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc với quy mô, cường độ mạnh hơn nhiều so với lần trước. Chúng tiếp tục đưa vào miền bắc những công nghệ kỹ thuật quân sự mới mẻ hơn, nguy hiểm hơn.

Sau chiến công đầu, ngày 3/2/1972 ông được chuyển sang Trung đoàn Không quân Tiêm kích 927. Khi đó, ông mới 28 tuổi đã được cử làm Phi đội trưởng Phi đội 9 (mỗi phi đội có khoảng 18 chiếc MiG-21).

Lúc này, trung đoàn 927 chuyển về sân bay Kép (Bắc Giang). Hôm đó là ngày 10/5/1972, ông cùng với phi công số 2 (tên là Hợp) đang trong kíp trực ở sân bay Kép thì có lệnh báo động. Biên đội 2 chiếc MiG-21 nhanh chóng nổ máy cất cánh.

Dưới sự hướng dẫn mặt đất, biên đội ta đuổi theo một tốp máy bay địch. “Khi đó, tôi bắt đầu thấy biển, áng chừng có lẽ đã tới Uông Bí. Lúc này, biên đội phát hiện hai chiếc F-4 của địch, có vẻ địch cũng phát hiện có đuổi theo nên tăng lực bỏ chạy,” ông kể lại tình huống trận đánh.

Dù vậy, biên đội MiG-21 vẫn bám đuổi được địch và  tiếp cận vào rất gần khoảng 4km. Sở chỉ huy khi đó mới yêu cầu biên đội quay lại do đã tới sát biển, nếu tiếp tục có thể máy bay hết dầu buộc phải nhảy dù như vậy sẽ rất nguy hiểm cho phi công.

Hai chiếc F-4 của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, lúc này khoảng cách rất gần, hoàn toàn có thể đánh tiêu dịch địch nên ông vẫn chỉ huy biên đội tiếp tục bám theo. Sở chỉ huy tiếp tục nhắc lần 2 yêu cầu quay lại. Nhưng lúc này, cự ly cách địch còn 3km, tên lửa R3S đã khóa mục tiêu.

Tốp 2 chiếc F-4 địch tách ra, ông liền nói với số 2 “tôi bám chiếc số 1”, số 2 bám chiếc còn lại. Vào tiếp cận gần hơn khi chỉ còn cách 2km thì số 2 reo lên “cháy rồi”, phi công số 2 đã phóng tên lửa tiêu diệt địch trước. Vài giây sau, ông cũng phóng tên lửa và tiêu diệt chiếc F-4 còn lại. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn rơi liền 2 chiếc, biên đội MiG-21 do phi công Lê Thanh Đạo bay số 1 chỉ huy nhanh chóng thoát ly về sân bay Kép.

Tuy nhiên, lúc này lại nảy sinh tình huống cực kỳ nguy hiểm. Về gần tới Kép, biên đội phát hiện 2 tốp F-4 đang khống chế sân bay, phi công số 2 lúc này đã hết dầu buộc phải hạ cánh. Ông bình tĩnh yểm hộ cho số 2, cùng với đó là hỏa lực pháo phòng không mặt đất cũng nổ súng tạo hành lang an toàn cho số 2 đáp cánh.

Riêng ông, với kinh nghiệm thông thuộc địa hình đã nhanh chóng đưa chiếc MiG-21 hạ thấp bay sát núi lách về sân bay Nội Bài an toàn. “Lớp của tôi về năm 1968, năm 1969-1971 bay huấn luyện nên rất thông thạo từng con sông, ngọn núi, không bao giờ bị lạc, luôn biết mình ở đâu,” ông chia sẻ.

Trong suốt cuộc chiến ác liệt năm 1972, anh hùng phi công Lê Thanh Đạo tiếp tục lập công bắn rơi 4 chiếc máy bay khác góp phần vào chiến thắng vang đội của toàn quân dân ta trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ngày 11/1/1973, phi công Lê Thanh Đạo được Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặc dù vậy, trong các trận đánh trên không anh hùng phi công Lê Thanh Đạo cũng bị bắn rơi một lần vào ngày 15/10/1972. Ông bị thương buộc phải điều trị gần 1 năm. Sau khi lành vết thương, ông tiếp tục rèn luyện sức khỏe và “tung cánh trở lại” trên chiếc MiG-21 thêm 5-6 năm nữa.

F-4 Phantom là máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm, hai chỗ ngồi do Tập đoàn McDonnell Douglas chế tạo.Trong chiến tranh Việt Nam, F-4 tham gia chiến đấu trong nhiều vai trò: tiêm kích đánh chặn, ném bom, trinh sát.  Chiến đấu cơ F-4 có khả năng mang tới hơn 8 tấn vũ khí (gồm tên lửa không đối không, không đối đất, bom, rocket).F-4 được coi là một trong những chiến đấu cơ thành công nhất của Mỹ sau Thế chiến thứ 2. Khoảng 5.000 chiếc F-4 được sản xuất và cho tới ngày nay vẫn còn hàng trăm chiếc phục vụ tích cực ở một số quốc gia đồng minh Mỹ.

MiG-21 là tiêm kích siêu âm đánh chặn hạng nhẹ do Cục thiết kế Mikoyan Gurevich (Liên Xô) thiết kế chế tạo. Khoảng 10.000 chiếc MiG-21 đã được sản xuất và hoạt động trong thành phần trang bị 50 quốc gia trên thế giới.

MiG-21 có tốc độ bay siêu âm Mach 2, bán kính tác chiến khoảng 300km, các mẫu biến thể đầu của MiG-21 chỉ mang được 2 tên lửa đối không R3S. Những biến thể sau này có thể mang 4 tên lửa đối không.

Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam thường sử dụng chiến thuật bay biên đội 2 chiếc: chiếc số 1 đóng vai trò chỉ huy, chiếc số 2 làm nhiệm vụ bảo vệ và có thể tham gia công kích mục tiêu. Chúng ta luôn luôn trong tình trạng chọi với số đông quân địch, phải đối đầu với những phi công Mỹ già dặn với hàng nghìn giờ bay kinh nghiệm. Mặc dù vậy, với tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu những phi công trẻ tuổi của Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn giành được những chiến thắng trên không.

>> Chuyên trang: Cha ông ta đánh giặc

Lê Nam
baodatviet.vn