‘Có thể thắng trận ĐBP trên không trong 3 ngày’

“Theo tôi, mình có thể thắng trận này chỉ trong ba ngày mà không cần tới 12 ngày”, Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn Phòng không Hà Nội, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không, chia sẻ với Đất Việt về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử.

– Thưa Trung tướng, ba ngày cũng là thời gian mà Mỹ tuyên bố sẽ san phẳng Hà Nội bằng B-52, ý kiến của ông thế nào?

– Đúng. Với cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, giới chóp bu Nhà Trắng khẳng định sẽ kết thúc trong ba ngày và khiến Bắc Việt Nam phải “bò lê bò càng” trở lại bàn đàm phán Paris theo những điều kiện của chúng. Tuy nhiên, trong ngày thứ ba (20/12/1972), càng huy động B-52 ném bom nhằm đánh đòn quyết định thì chúng thất bại càng ê chề. Chúng buộc phải kéo dài ném bom bằng B-52 và đến ngày thứ 12 thì không chịu nổi nữa.

Trung tướng Trần Nhẫn.

– Theo ông, Mỹ đã mắc sai lầm gì?

– Sai lầm của Mỹ là không ngờ ta có thể hạ được loại vũ khí tối tân, chiến lược của họ. Còn nhớ, khi dùng B-52 ném bom Hà Nội, Mỹ chỉ lưu ý phi công quan tâm đến máy bay MIG của ta chứ không phải là tên lửa hay pháo cao xạ. Mỗi chiếc B-52 có tới 11 máy gây nhiễu. Thực tế là đã có lúc, ra-đa của ta không dám phát sóng vì sợ tên lửa Sơ-rai (Shrike) của địch. Mỗi khi ta phát sóng, Sơ-rai lập tức phát hiện, tiêu diệt ngay. Chúng ta bị thiệt hại và rất đau đầu trong việc tìm ra cách tránh, tiêu diệt Sơ-rai, nhưng rồi cũng tìm ra. 11 máy gây nhiễu ở B-52 không thể phát hiện hết ra-đa của ta. Đó là loại ra-đa của pháo cao xạ, khiến tên lửa của chúng bị “mù”.

– Nhưng hồi đó, tên lửa của ta ở Hà Nội không nhiều, trong khi địch tập kích vào Thủ đô nhiều hơn các địa phương khác?

– Theo số liệu tính toán của tôi thì trong 12 ngày đêm, địch đã sử dụng 417 lần B-52 đánh vào Hà Nội, chiếm 62,9%. Tỷ lệ này ở Hải Phòng là 6,3%, Thái Nguyên 15,3%, Lạng Sơn 14%… Khi địch dùng B-52 đánh Hà Nội thì Thủ đô chỉ có hai trung đoàn tên lửa, mãi đến gần cuối mới điều thêm hai tiểu đoàn về. Vậy mà ta vẫn thắng giòn giã.

Nói thế nhưng tôi vẫn không quên cảm giác lo ngại lúc bấy giờ. Ngày 20/12/1972, địch huy động 93 lần B-52 và 151 lần máy bay chiến thuật đánh đòn quyết định. Giữa lúc cuộc chiến đấu đang quyết liệt thì các sở chỉ huy nhận được tin xấu: Tiểu đoàn 77 và 94 hết đạn. Nhưng trong chiến tranh cũng có may mắn hiếm hoi. Khi chúng tôi lo đến thắt tim vì trên bệ phóng của nhiều tiểu đoàn không còn đạn hoặc chỉ còn một, hai quả thì đợt tấn công thứ hai của B-52 Mỹ vào khoảng nửa đêm như hai đêm trước đã không xảy ra, mãi đến rạng sáng chúng mới tiếp tục tấn công. Tranh thủ thời gian quý báu đó, các chiến sĩ trực tiếp sản xuất đạn đã làm nên một chuyện phi thường, bảo đảm đủ đạn cho các tiểu đoàn đánh đợt hai.

Lúc 5h sáng, trong đợt tấn công B-52 cuối cùng của ngày hôm đó, Tiểu đoàn 77 lại hết đạn, Tiểu đoàn 94 trắng bệ, Tiểu đoàn 59 cũng vì hết đạn mà vắng mặt trong đội hình chiến đấu. Trong khi đó, đây là ba trận địa nếu đủ đạn sẽ đánh đường bay này rất hiệu quả. Trong tình hình ấy, nhiệm vụ tiêu diệt B-52 chỉ còn trông chờ vào Tiểu đoàn 57, khi ấy chỉ còn một quả đạn trên bệ, trong khi để tiêu diệt một B-52, ta thường dùng 2-3 quả đạn. Kỳ diệu thay, Tiểu đoàn 57 bắn rơi chiếc B-52 thứ 7 trong ngày bằng quả đạn cuối cùng… Những ngày sau đó, địch càng đánh càng mất tinh thần. Trong 12 ngày đêm, ta bắn rơi 34 chiếc B-52.

– Thưa ông, B-52 được coi là “pháo đài bay” bất khả xâm phạm nhưng tại sao ta vẫn bắn hạ được, tại sao ta vẫn thắng?

– Đó là sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, là truyền thống hàng nghìn năm, là chiến công, trí tuệ tập thể, từ người lính trong từng kíp trắc thủ đến cán bộ chỉ huy. Chúng ta đã vận dụng sáng tạo cách đánh và đúc kết thành sách đỏ đánh B-52. Tuy nhiên, theo tôi, cũng như vũ khí, cách đánh chỉ là phương tiện, yếu tố quyết định nhất vẫn là con người. Các trắc thủ của ta gan dạ, dũng cảm, thông minh, sáng tạo tuyệt vời. Hồi ấy, bộ đội nói một, làm hai…  Chính vì vậy theo tôi, nếu ta tập trung đúng mức thì chỉ cần ba ngày là ta tiêu diệt được B-52, làm nên Điện Biên Phủ trên không.

– Xin cảm ơn và chúc Trung tướng mạnh khỏe!  

Thế Kỷ – Nam Quốc (thực hiện)
baodatviet.vn