Món đồ 40 năm và câu chuyện về lòng vị tha

QĐND – Tính ra đã 40 năm, ông Nguyễn Xuân Thao giữ bên mình những đồ vật ấy: Chiếc áo khoác ba lỗ màu xanh đã ngả màu cùng tấm bản đồ bị mối xông thủng lỗ chỗ. Một nửa đời người chầm chậm trôi qua, những món đồ của một viên phi công Mỹ bỏ lại nơi Bệnh viện huyện Vĩnh Tường năm nào, giờ đã trở thành một phần trong cuộc đời của người bác sĩ già. Bởi lẽ, chúng nhắc ông nhớ tới câu chuyện về lòng vị tha trong một thời máu lửa mà hào hùng của dân tộc.

Ông Thao với chiếc áo của phi công Mỹ.

Ký ức

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất của máu và lửa Quảng Trị, trong ký ức của ông Thao, hình ảnh những năm tháng chiến tranh ác liệt chưa bao giờ phai nhạt. Hơn 20 tuổi, ông rời xa quê hương ra Hà Nội quyết tâm theo học ngành y, với mơ ước trở thành bác sĩ để có thể tận tay cứu chữa cho đồng bào gặp nạn. Có lẽ, ông Thao cũng chẳng bao giờ ngờ được mình lại tự tay cấp cứu cho những phi công Mỹ – những người đã lái máy bay B-52 ném bom tàn phá Hà Nội.

Đêm 28-12-1972, một chiếc máy bay B-52 của Mỹ rơi ngay bến đò Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ba phi công Mỹ nhảy dù thoát chết và bị dân quân bắt được. Thời kỳ đó, ông Thao làm Phó giám đốc Bệnh viện huyện Vĩnh Tường. Ông kể: “Khoảng 10 giờ hơn ngày 28, bệnh viện được tin báo rằng giặc lái rơi. Nghe tới đó thì tôi phấn khởi lắm. Từ trước tới giờ, tôi mới nghe tin ta bắn B-52 nhưng rơi nhiều nơi khác, kỳ này lại nghe bắn rơi ngay tại chỗ mới biết quân ta quả thật tài tình, dũng cảm”. Những ký ức ùa về trong tâm trí người bác sĩ già như những cơn gió ấm áp xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Dù đã 40 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại quá khứ, ánh mắt ông vẫn luôn sáng lên niềm tự hào.

Khoảng 11 giờ, Bệnh viện huyện Vĩnh Tường đột nhiên phải tiếp nhận những bệnh nhân “đặc biệt”. “Trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân thường được chuyển lên tuyến trên. Không thể ngờ tới, hai phi công của địch lại được chuyển đến chỗ tôi. Người thứ ba thì bị giải về huyện ngay gần bệnh viện. Có lẽ lịch sử đã sắp đặt để tôi phải đối diện với những con người ấy”, ông Thao trầm ngâm kể lại.

Câu chuyện về lòng vị tha

Đêm đó, ông Thao là vị bác sĩ trực tiếp khám và chỉ đạo chữa trị cho những phi công Mỹ. “Lúc những người này xuất hiện, tôi tự nhiên nảy sinh mâu thuẫn. Mặc dù bản thân là thầy thuốc, có trách nhiệm phải cứu người, nhưng lòng tôi vẫn vô cùng tức giận. Tôi đã nghĩ sao mình có thể chữa trị cho chính những kẻ đã gây nên tội ác với đồng bào mình, với máu thịt mình được. Nhưng dường như, lòng vị tha và nhân ái chính là bản năng của người Việt Nam. Tôi đã dẹp bỏ suy nghĩ “địch, ta”, xác định rằng đấy là bệnh nhân và mình phải có bổn phận cứu chữa cho họ”, ông tâm sự.

Sau khi khám cho hai viên phi công Mỹ tại bệnh viện, ông Thao phát hiện người nằm trên băng-ca đã bị thương ở chân, nhiều khả năng là gãy chân. Người còn lại khá trẻ, mặt luôn cúi gằm, ngồi ngay tại cửa phòng bệnh nhưng không có vết thương nào. Đột nhiên trong huyện báo: “Yêu cầu bác sĩ đến kiểm tra phi công bị ướt trong huyện để có biện pháp cấp cứu luôn”. Nghĩ đến thời tiết giá lạnh, ông Thao tức tốc cầm áo quần bệnh nhân rồi đạp xe đến đó. Viên phi công trong huyện bị ướt, cởi trần, mặc quần soóc. Anh ta không bị thương nặng, chỉ là va đập khiến một bên vai đau nhức. Anh ta ngồi cúi đầu, quay mặt vào trong. Ông Thao chỉ có thể thấy tấm lưng rất lớn đang run rẩy. “Vì quần áo bệnh nhân cầm trên tay lại khá hẹp, người to lớn như vậy không thể mặc vừa, nên tôi đã khoác chiếc áo lên lưng viên phi công Mỹ rồi tức tốc đạp về bệnh viện kiếm chiếc chăn để mang lại. Lúc đó tôi chỉ có một suy nghĩ là cứu giúp bệnh nhân”, người bác sĩ già kể.

Món đồ “niên đại” 40 năm

Về lại bệnh viện, sau khi tìm thấy chiếc chăn, ông Thao bắt mạch, đo huyết áp lại lần cuối để truyền dịch cho bệnh nhân trên băng-ca. Bỗng ông nhận được tin báo phải rời bệnh nhân đi ngay, không được chậm trễ. Chiếc ô tô đã chờ sẵn mang theo ba phi công Mỹ phóng vút đi ngay trong đêm hôm đó. Quay trở về phòng bệnh, ông phát hiện chiếc áo khoác ba lỗ màu xanh cùng tấm bản đồ của một trong ba phi công Mỹ để lại. Người bác sĩ đã giữ những món đồ ấy với suy nghĩ giản đơn là “bảo quản đồ vật của bệnh nhân”. Nhưng theo thời gian, chúng cũng dần trở nên gắn bó với ông Thao.

Có lẽ, chúng đã trở thành một phần của ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hoặc giả, chúng là “nhân chứng” trong một câu chuyện về lòng vị tha của người Việt Nam. Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cũng dần phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng những ký ức về cái đêm mùa đông năm đó vẫn luôn in sâu trong tâm trí ông. Trong suốt 40 năm, mỗi lần cầm trên tay chiếc áo, hình ảnh tấm lưng to bản run rẩy cùng khuôn mặt cúi gằm của những viên phi công Mỹ lại hiện ra trong tâm trí ông Thao.

Từ bấy đên nay, ông Thao chưa bao giờ giặt chiếc áo của viên phi công Mỹ. Thảng có hôm nắng to thì mang ra phơi, xong lại gấp gọn gàng bỏ vào cặp. Ông cũng từng nghĩ tìm cách trả lại món đồ cho chủ nhân của nó, chỉ là để nhắc nhở cho họ – những người từng lái máy bay tàn phá Việt Nam, một câu chuyện về lòng vị tha. “Tôi mong muốn, việc trao trả sẽ là một dấu ấn nhắc nhở, để không chỉ viên phi công khi đó mà tất cả người Mỹ đều biết rằng, thời kỳ họ đem máy bay sang đây bắn phá, gây tội ác, khi họ rơi xuống đất, vẫn được người dân, người thầy thuốc ta nhân đạo cứu giúp”, ông Thao chân thành bày tỏ.

Bài và ảnh: NGỌC THƯ
qdnd.vn