Xin chỉ thị, gửi báo cáo (30-7-1950)

Trước khi làm, không xin chỉ thị. Khi làm rồi, không gửi báo cáo. Nhiều địa phương mắc phải cái bệnh ấy. Họ không hiểu rằng: thế là:

– Vô kỷ luật, vô chính phủ, địa phương chủ nghĩa,

– Trái nguyên tắc “tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí”.

Vì bệnh ấy, mà có nơi đã vấp phải thất bại chua cay!

Vì sao phải xin chỉ thị Trung ương?

Địa phương thường chỉ thấy tình hình ở nơi mình, không rõ tình hình các nơi khác, chỉ thấy một bộ phận, không thấy được bao quát.

Trung ương thấy rõ tình hình toàn quốc, toàn diện; thấy rõ hiện tại và đoán biết tương lai; thấy rõ lợi hại chung cả nước.

Vì vậy, địa phương không xin chỉ thị, thì không biết rằng một việc có thể lợi cho nơi mình mà hại cho nơi khác, lợi ở trước mắt, mà hại đến lâu dài về sau. Một thí dụ: Tỉnh T không xin chỉ thị, mà tự động sửa đường sá. Nhân dân được đi lại chẳng bao lâu, thì địch dùng đường ấy mà đánh vào tỉnh!

Vì sao phải báo cáo lên Trung ương?

Địa phương báo cáo mau chóng, đều đặn, thật thà, thì Trung ương biết rõ tình hình để xét đoán, phê bình, giúp đỡ và chỉ thị một cách thiết thực, sát hoàn cảnh. Đồng thời để truyền bá kinh nghiệm nơi này cho những nơi khác. Nếu địa phương không báo cáo rành mạch, kịp thời, thì Trung ương không thể làm những việc đó.

Các địa phương có xin chỉ thị, có gửi báo cáo, thì lại thường

mắc những khuyết điểm:

– Cán bộ không nghiên cứu kỹ càng các chỉ thị. Không ra sức giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Không biết áp dụng chỉ thị một cách mềm dẻo thích hợp với địa phương mình. Thi hành một cách máy móc và không triệt để.

Lại có khi ký tên mình vào chỉ thị của Trung ương – Coi mình như Trung ương!

– Báo cáo thì chậm trễ, làm lấy lệ. Báo cáo dối, giấu cái dở cái xấu, chỉ nêu cái tốt cái hay. Báo cáo bề bộn – chỉ góp báo cáo các ngành, các cấp dưới, rồi cứ nguyên vǎn chép lại gửi lên, v.v..

Xin chỉ thị trước khi làm, gửi báo cáo khi làm xong – là một điều rất cần thiết, để làm cho chính sách của Chính phủ và Đoàn thể thấu suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, để tránh bệnh “bán thân bất toại” trong công việc, để tránh thất bại và để lượm được nhiều thành công. Vì vậy, từ nay các khu, các tỉnh phải đặt nó là một trong những nhiệm vụ chính của mình .

Khi có vấn đề đặc biệt quan trọng, hoặc quan hệ đến toàn tỉnh thì phải hỏi chỉ thị của tỉnh uỷ, quan hệ đến toàn khu thì phải hỏi chỉ thị của khu uỷ, gặp vấn đề có quan hệ đến toàn quốc, thì nhất định phải xin chỉ thị của Trung ương. Thí dụ:

– Khi định làm một việc gì quan trọng, thì phải nói rõ lý do, tình hình, điều kiện, mục đích của nó.

– Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, nǎng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động.

Ngoài những báo cáo thường, thì những báo cáo định kỳ (mấy tháng một lần) phải nói rõ những vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá, dân sinh, thi đua ái quốc, sự hoạt động của các đoàn thể. Nói rõ chính sách đã thi hành thế nào. Tổng kết kinh nghiệm thế nào. Gặp những khó khǎn gì. Nêu những đặc điểm trong thời kỳ đó.

Báo cáo phải: thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thật. Không nên hàm hồ, bèo nheo.

Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu.

Không nên viết “tràng giang đại hải”, mà làm lu mờ những điểm chính.

Những báo cáo ấy, về chính quyền thì phải do Chủ tịch phụ trách viết, về Đoàn thể thì do Bí thư viết. Không được uỷ cho người khác viết thay.

Chúng ta phụ trách lãnh đạo kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ. Vậy khi đã trông thấy khuyết điểm gì thì chúng ta phải kiên quyết sửa chữa ngay.

Đánh thắng khuyết điểm của ta, tức là một phần đã đánh thắng địch.

X.Y.Z.

Báo Sự thật, số 137, ngày 30-7-1950.
cpv.org.vn